Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ mở rộng: Cuộc hội ngộ thắm tình tri âm, tri kỷ
VHO- Sau 3 năm tạm ngưng tổ chức vì dịch Covid-19, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An mở rộng đã quay trở lại trong hai ngày 6 - 7.2 vừa qua. Sự kiện diễn ra tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, quy tụ 12 ban đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh với gần 150 nghệ nhân tham gia, giao lưu trong không gian ấm áp, thắm tình tri âm, tri kỷ.
Di tích đình Vạn Phước, nơi diễn ra Liên hoan
Đây là cuộc liên hoan lần thứ 27, do Sở VHTTDL tỉnh Long An phối hợp UBND huyện Cần Đước tổ chức, nhân kỷ niệm ngày mất của Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Trong không gian ấm áp của đình Vạn Phước, những ngón đờn điêu luyện, giọng ca ngọt ngào, tinh tế đến từ các nghệ nhân, tài tử của các CLB thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; các ban đờn ca tài tử thuộc các phường trên địa bàn TP Tân An và Ban chủ nhiệm các CLB, đội, nhóm thuộc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh… đã mang đến cho khán giả mộ điệu “bữa tiệc” âm nhạc thịnh soạn, thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật trong những ngày xuân mới.
Đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước là một thiết chế làng xã truyền thống Nam Bộ, cơ sở tín ngưỡng dân gian đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tinh thần nhân dân. Đây còn là nơi lưu niệm hai nhân vật lịch sử là Đốc binh Bùi Quang Diệu (tức Quản Là), người chỉ huy nghĩa quân đánh đồn Tây Dương của Pháp (Cần Giuộc) vào đêm Rằm tháng Chạp năm 1861, để từ đó nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bất hủ và Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại từ miền Trung vào Nam truyền dạy nhạc tài tử, nhạc lễ. Trên nền tảng nghệ thuật truyền thống dân tộc, âm nhạc ngũ cung, âm nhạc cung đình, ông đã bổ sung và chấn chỉnh bộ môn nhạc Lễ, hệ thống bài bản, hơi điệu, làm thành 20 bài bản tổ căn bản của âm nhạc tài tử Nam Bộ, sáng tác bài bản mới, truyền dạy và đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng, góp phần làm cho Đờn ca tài tử Nam Bộ đơm hoa, kết trái, ngày càng lan tỏa và có một sức sống kỳ diệu, trở thành di sản chung của dân tộc. Dấu ấn và di sản của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại luôn in đậm trên vùng đất Long An, Cần Đước, Cần Giuộc.
Tiết mục của Ban đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai
Từ năm 1996, linh vị Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại được rước về đình Vạn Phước để thờ phụng, tôn vinh. Từ đó đến nay, đình là nơi diễn ra hoạt động sinh hoạt, giao lưu Đờn ca tài tử của tỉnh Long An và các tỉnh khu vực phía Nam vào dịp lễ húy kỵ của ông (19 tháng Giêng âm lịch). Hoạt động này đã trở thành truyền thống, là điểm sáng văn hóa của tỉnh nhà và khu vực. Được biết, vào hôm nay 8.2, tại đình Vạn Phước sẽ diễn ra lễ công bố quyết định và đón nhận bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho 2 cây đa ở đình Vạn Phước, đây là niềm tự hào của địa phương, góp phần tạo thêm giá trị văn hóa cho thiết chế làng xã truyền thống này…
Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Anh Dũng bày tỏ, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An mở rộng là dịp để các ban đờn ca tài tử, nghệ nhân, tài tử giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật; là ngày hội tôn vinh những tập thể, cá nhân có công bảo tồn, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này. Từ năm 1996, cùng với việc đưa linh vị Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại về thờ tại đình Vạn Phước và tổ chức lễ húy kỵ ông cũng vào dịp cúng lễ Kỳ Yên, hằng năm, nơi đây trở thành ngày hội của giới Đờn ca tài tử và Nhân dân địa phương với hoạt động liên hoan, tham gia giao lưu của nhiều CLB, đội nhóm đờn ca ở các tỉnh, thành bạn. Dịp này các tổ chức, cá nhân cùng các nghệ sĩ từ khắp nơi và nhân dân tề tựu về thắp nén hương để tưởng nhớ người nghệ sĩ tài danh và tham gia sinh hoạt giao lưu Đờn ca tài tử, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian cộng đồng. Hoạt động này được tỉnh Long An duy trì hàng chục năm qua, trở thành hoạt động truyền thống Đờn ca tài tử nói riêng, nét văn hóa ở Long An nói chung.
“Cuộc Liên hoan năm nay diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang tiếp tục triển khai thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; đặc biệt, chúng ta đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Đảng bộ tỉnh, nên càng thêm ý nghĩa thiết thực. Đây sẽ là động lực để chúng ta xác định nhiệm vụ trong thời gian tới làm thế nào để nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ ở Long An và của cả nước tiếp tục phát triển và vươn lên tầm cao mới, xứng đáng với vị trí vốn có của nó trong vườn hoa nghệ thuật nước nhà nói riêng, trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nói chung”, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Long An nhấn mạnh.
Tại liên hoan, hàng chục tiết mục Đờn ca tài tử đã được các nghệ nhân, tài tử trình diễn, từ hòa đờn các nhạc cụ truyền thống như đờn kìm, đờn cò, đờn bầu, đờn tranh, ghi ta phím lõm, sáo đến các tiết mục song tấu, đờn ca, ca ra bộ… đã mang đến cho người mộ điệu những cung điệu tuyệt đẹp, âm vang dưới mái đình làng trong đêm trăng sáng…
THÙY TRANG